Trước hết là tâm Từ.
Từ có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui, hiến tặng hạnh phúc cho mình, cho người (the capacity to offer joy and happiness). Tâm Từ là một trạng thái mở rộng tấm lòng bao dung, thông cảm, yêu thương đối với tất cả sự vật, con người xung quanh mình. Nhìn thấy một người làm sai, làm ác, làm một việc không thiện, với một người có lòng từ, họ không trách móc, phê phán, chê bai mà ngược lại họ lại cảm thông, tìm hiểu để biết được nguyên nhân của sự việc với lòng từ tâm của họ thay vì sân hận họ.
Thứ hai là Bi
Có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Nó gồm ý chí muốn làm vơi đi nỗi khổ, muốn chuyển hóa nỗi khổ của người; và gồm cả phương pháp và khả năng chuyển hóa nỗi khổ.
Hỷ tức là niềm vui.
Tình thương đích thực, có Từ, có Bi, sẽ đem tới sự nhẹ nhõm, và niềm tươi vui. Tình thương mà chứa chất sầu đau thì không phải là tình thương trong đạo Bụt. Cho nên Hỷ là một yếu tố của tình thương đích thực. Tình thương có thể đem lại cho người thương và người được thương hạnh phúc thì mới đúng là tình thương trong đạo Bụt. Còn thứ tình thương mỗi ngày gây khổ đau và vướng mắc cho nhau, thì không phải là tình thương của đạo Bụt. Hỷ là yếu tố thứ ba của tình thương ấy.
Và sau cùng
Xả là sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do và không kỳ thị. Thương như thế nào mà ta còn giữ được tự do cho ta và cho người ta thương thì mới đích thực là tình thương đạo Bụt. Thương như thế nào mà hai người không dìu nhau vào trong ngục tù (ràng buộc). Tình cha con, tình thầy trò, tình anh em, tình yêu nam nữ cũng vậy.
Như vậy, 4 Tâm Vô Lượng: Từ – Bi – Hỷ – Xả là điều mà mỗi phật tử đều hướng tới và tu tập để tạo phước cho bản thân và cho những người xung quanh